Câu chuyện Chương Hiến Minh Túc Hoàng hậu

Nhân Tông nhận mẫu

Đối với sinh mẫu của Tống Nhân Tông là Lý thị, Lưu Thái hậu phong làm Thuận dung và đưa đến trông nom lăng mộ Tiên đế là Vĩnh Định lăng. Lưu Thái hậu còn sai Lưu Mỹ, Trương Hoài Đức tra tìm thân tộc của Lý Thuận dung và ban tiền bạc cho họ, phong em trai là Lý Dụng Hòa làm Tam ban phụng chức (三班奉职), với lý do Lý Thuận dung đến trông coi lăng mộ Tiên đế, nên ban ơn trọng thưởng. Khi Lý Thuận dung bệnh nặng, Lưu Thái hậu sách phong làm Thần phi (宸妃), đưa Thái y đến cứu chữa. Ngay khi vừa sách phong thì Lý Thần phi qua đời. Lưu Thái hậu cho khâm liệm qua loa, đưa quan tài ra khỏi cung. Thừa tướng Lã Di Giản (呂夷簡) hỏi vì sao không làm tang lễ, Lưu Thái hậu tìm cách để Tống Nhân Tông đi khỏi, rồi trách Lã Di Giản li gián hai cung. Lã Di Giản đe dọa rằng nếu không hậu táng cho Lý Thần phi thì Lưu Thái hậu chẳng còn được bao lâu nữa sẽ mang họa diệt môn (khi Nhân Tông nắm quyền ắt sẽ truy cứu chuyện này). Lưu Thái hậu hiểu ra, cho khâm liệm Lý Thần phi dùng đồ của Hoàng hậu, trong quan tài có đầy thủy ngân[41].

Sau khi Lưu Thái hậu băng, Dương Thái phi nói với Nhân Tông:"Lưu hậu không phải sinh mẫu thật sự của Quan gia, mẫu thân của ngài là Lý Thần phi đã qua đời"[42]. Tống Nhân Tông lúc này mới biết Lưu Thái hậu không phải mẹ mình, lại càng là người mà mình xem như không thân thích gì trước khi chết là Lý Thần phi, nên sinh bệnh ốm nặng, mấy ngày không thể thượng triều, cũng hạ chiếu tự trách.

Lúc này, Yên vương Triệu Nguyên Nghiễm tiết lộ sự thật về thân thế của Lý Thần phi, nói rằng Lưu Thái hậu đã cướp Nhân Tông về làm con mình, bỏ rơi Lý Thần phi ở trong cung thất sủng, Yên vương còn nói rằng Lưu Thái hậu có thể đã hạ độc chết Lý Thần phi[43]. Tống Nhân Tông kinh hoàng, sai quân lính bao vây phủ của nhà họ Lưu, còn mình đích thân tới nơi chôn của Lý Thần phi. Khi khai quật và bật nắp quan tài, phát hiện xác của Thần phi đã bao trùm bởi thủy ngân, dung nhan vẫn rất nguyên vẹn trước khi mất, lại mặc trang phục của bậc Hậu. Tống Nhân Tông bèn cảm thán:"Chuyện thiên hạ nói, sao có thể đáng tin a!"[44].

Sau đó, Nhân Tông quỳ trước linh cữu Lưu Thái hậu, khóc nói:"Tự nay về sau, Đại nương nương cả đời trong sạch!"[45]. Đối với chuyện này, Tống Nhân Tông cả đời về sau đều không muốn nhắc lại, cũng không cho người khác thêu dệt về Lưu Thái hậu, còn ban cả chiếu chỉ chỉ điểm thiên hạ[46].

Sự kiện này, được gọi là [Nhân Tông nhận mẫu; 仁宗認母] về sau cứ lưu truyền trong dân gian, thêu dệt đủ kiểu tình huống, cuối cùng trở thành truyền thuyết "Ly miêu tráo thái tử" nổi tiếng.

Ly miêu tráo Thái tử

Trong truyền thuyết dân gian của Trung Quốc, Lưu Hoàng hậu được biết đến là một nhân vật quan trọng trong điển tích Ly miêu hoán thái tử (狸猫换太子). Đây là một đoạn chương hồi trong Thất hiệp ngũ nghĩa của tác giả đời Thanh tên Thạch Ngọc Côn (石玉昆), sáng tác về Bao Chửng, còn gọi Bao Thanh Thiên (包青天).

Theo câu chuyện này, năm đó Lý Thần phi và Lưu Hoàng hậu cùng lúc có thai. Khi cả hai hạ sinh, Lưu Hoàng hậu sinh ra một Công chúa mà chết yểu, còn Lý Thần phi sinh ra được một Hoàng tử. Lưu Hoàng hậu sợ hãi, bèn cùng hoạn quan tráo con của Lý Thần phi bằng một con ["Ly miêu"; 貍貓], vu khống Lý Thần phi sinh hạ quái thai yêu nghiệt. Sau đó Lý Thần phi bị đuổi ra khỏi cung, lưu lạc dân gian, con trai bà trong cung đã được phong làm Thái tử kế vị, tức Tống Nhân Tông. Lưu lạc nhiều năm, thân thể tàn úa, đến gần cuối đời Lý Thần phi gặp được Bao Công, bèn xin vị Bao Thanh Thiên trứ danh này trợ giúp tìm được công lý. Dưới sự tài tình và thẳng thắng của mình, Bao Công minh oan cho Lý thị, được đón vào cung tôn làm Hoàng thái hậu, còn Lưu hậu sợ tội tự sát.

Truyền thuyết này dựa 1 phần vào sự thật lịch sử (Lưu Thái hậu được giao nuôi dưỡng Tống Nhân Tông nhưng không cho ông biết mẹ đẻ của mình là Lý Thần phi), song đã được hư cấu hóa nhằm tăng thêm giai thoại và hành vi anh minh của Bao Công. Tuy vậy, cụm từ ["Ly miêu hoán Thái tử"] về sau lại rất thông dụng, trở thành một cách nói ẩn dụ về thủ pháp hoán đổi đầy tính âm mưu trong cuộc sống.